Khám phá các lễ hội truyền thống của Cao Bằng

Khám phá các lễ hội truyền thống của Cao Bằng


Mỗi năm Cao Bằng khai xuân với hàng loạt các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh như: lễ hội đền vua Lê, lễ hội đề Kỳ Sầm, lễ hội Pháo hoa,… Mỗi một lễ hội đều gắn với phong tục tập quán riêng có của một vùng, địa phương hay của một dân tộc nhất định nhưng đa số các lễ hội tại Cao Bằng đều bao gồm hai phần, gồm: phần lễ là các nghi thức dâng hương mang ý nghĩa văn hóa tâm linh và phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống mang đến niềm vui, sự hứng khởi để bắt đầu công việc của một năm mới với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.

Lễ hội Lồng Tồng


Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng, ở Cao Bằng Lễ hội diễn ra từ ngày 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương). Trong những năm gần đây đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, và được sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước, lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian, đã thu hút du khách cả nước đến thăm quan, dự hội ngày một đông.


Lễ hội đền Vua Lê


Lễ hội Đền Vua Lê tại làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An được tổ chức vào ngày mùng 6 Tết âm lịch hàng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành ngay từ sáng sớm dưới sự có mặt đông đảo nhân dân trong vùng thì phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian: cờ tướng, cờ người, đẩy gậy, kéo co…, thu hút đông đảo người dân tham gia. Năm 1995, Đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia, là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng.



Lễ hội đền Kỳ Sâm


Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 5km. Đây là danh nhân lịch sử người Dân tộc Tày, có công trong sự nghiệp mở nước ở thời vua Lý Thái Tông thế kỷ XI. Ông là con của thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Nùng Trí Cao là người có tài thao lược, ông đã có công đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên và được nhân dân kính trọng. Sau khi ông mất vua lại phong cho là Khâu Sầm Đại Vương. Công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ.

Lễ hội đền Kỳ Sâm được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, tại xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An. Lễ được mở đầu là phần lễ và sau đó là phần hội với nhiều trò chơi như: Tung còn, đấu vật, đấu võ, đá bóng, múa sư tử, múa rồng, múa lân... thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ công lao Khâu Sầm Đại Vương và cũng là dịp đi vãn cảnh và hái lộc đầu xuân.


Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày


Lễ hội nàng Hai hay còn gọi là nàng Trăng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, gắn với tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với ước mong về mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Hiện lễ hội này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tại xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An). Hội được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba. Theo tín ngưỡng dân gian người Tày, trên cung Trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên là con các Mẹ Trăng, hàng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho dân chúng ở trần gian. Lễ hội Nàng Hai là cuộc hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, giúp dân việc đồng áng, mùa màng bội thu, muôn nhà hạnh phúc.



Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên


Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm, là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên, để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Lễ hội pháo hoa gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại.

Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ - mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, rồng bay quanh mỏ nước ba lần rồi đi vào miếu Bách Linh; trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi trong miếu một vòng rồi ra ngoài. Lễ hội pháo hoa đã tồn tại trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.



Lễ hội chùa Sùng Phúc


Theo sách Đại Nam nhất thống chí và sách Việt Nam dư địa chí: Chùa Sùng Phúc thuộc xã Thanh Nhật huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng. Hội Chùa hàng năm mở vào ngày Rằm tháng giêng thu hút đông đảo khách thập phương trẩy hội cầu may. Lễ hội ngày nay được tổ chức không được như trước, song ban tổ chức vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa, như: tổ chức rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, kiệu Thành Hoàng, khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.




Bên cạnh các lễ hội trên khi du lịch Cao Bằng còn được khám phá nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa như: lễ hội trọi bò ở huyện Bảo Lâm, lễ hội chùa Phố Cũ, lễ hội Đền Hoàng Lục, hội mời Mẹ trăng,… đến nay các lễ hội này vẫn được bảo tồn nhằm lưu giữ các nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng cho thế hệ hôm nay và mai sau.




Không có nhận xét nào: